Published in: Cây rau màu
Create date: Jun 17, 2022

Biện pháp phòng trừ tuyến trùng kí sinh trên cây rau màu

Tuyến Trùng là một đối tượng gây hại tuy không mới nhưng vẫn còn xa lạ với hầu hết người nông dân. Chúng xa lạ bởi vì đa số nông dân có thể đã nghe nói đến tuyến trùng gây hại nhưng hầu hết chưa nhìn thấy chúng trong thực tế, do kích thước của đa số các loài tuyến trùng đều rất nhỏ mắt thường không nhìn thấy được.

Mặc dù kích thước nhỏ nhưng số lượng của chúng trong đất lại vô cùng nhiều, có đến hàng nghìn con trên mỗi 100 gam đất trồng, cũng vì thế mà tác hại của chúng gây ra đối với các loại cây trồng, đặc biệt là các loại cây rau màu là không hề nhỏ.

1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TUYẾN TRÙNG

Đặc điểm hình thái và sinh học:

Tuyến trùng (Nematodes) là tên gọi chung của một lớp động vật thuộc ngành Giun Tròn, một trong các ngành đa dạng và phong phú nhất hành tinh. Chúng là những động vật không xương sống, hình dạng của hầu hết các loài tuyến trùng rất giống với con Giun Đất, nhưng kích thước nhỏ hơn gấp nhiều lần. Con cái trưởng thành của một số nhóm tuyến trùng có nhiều hình dạng khác nhau: hình quả lê, hình quả chanh, hình quả bầu, hình quả bí xanh.... (Hình 1, 2, 3)

TuyenTrungDuc

Hình 1. Tuyến trùng đực gây mục củ trên Khoai Mỡ phóng đại 220 lần

TuyenTrungCai

Hình 2. Tuyến trùng cái gây sưng rễ trên Cây Ớt phóng đại 220 lần

TuyenTrungBaoNangTrenReDauNanh 01
TuyenTrungBaoNangTrenReDauNanh 02

Hình 3. Tuyến trùng bào nang trên rễ đậu nành
(Nguồn: https://www.canr.msu.edu/resources/soybean-cyst-nematode-diagnostic-facts)

Vòng đời tuyến trùng thường trải qua 6 giai đoạn: trứng, 4 giai đoạn ấu trùng và giai đoạn tuyến trùng trưởng thành, tùy từng bộ tuyến trùng mà vòng đời dài ngắn khác nhau. Các loài tuyến trùng thuộc bộ Tylenchida, ấu trùng tuổi 1 phát triển bên trong trứng và khi nở ra ngoài là ấu trùng tuổi 2.

VongDoiTuyenTrungBaoNang

Hình 4. Vòng đời một loài tuyến trùng bào nang hại rễ đậu nành
(Nguồn: https://www.plantpath.iastate.edu/scn/life_cycle)

Tuyến trùng kí sinh thực vật thường có kiểu sinh sản đơn tính hoặc lưỡng tính. Trứng thường được đẻ ra ngoài đất hoặc vào trong mô thực vật. Đối với nhóm tuyến trùng nội kí sinh cố định, trứng được đẻ hàng loạt vào một túi Gelatin do con cái tiết ra khi đẻ trứng, mỗi túi có thể lên đến hàng 1000 trứng.

Khi điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi, trứng có thể chuyển sang trạng thái ngủ nghỉ trong vòng 1 đến 2 năm. Trứng của một số loài như Rotylenchus reniformis, Meloidogyne inconita có thể nở tự do trong nước ở nhiệt độ thích hợp.

Phân loại tuyến trùng:

Tuyến trùng rất đa dạng về thành phần loài cũng như môi trường sống, có thể bắt gặp chúng rất nhiều trong đất cây trồng cạn, đất trồng lúa nươc, đất bùn dưới đáy sông hồ,...Chính vì sự đa dạng này mà việc phân loại tuyến trùng cũng khá phức tạp và có nhiều cách phân loại khác nhau: dựa vào hình thức kí sinh, người ta chia tuyến trùng làm 3 nhóm: nội kí sinh, ngoại kí sinh và bán nội kí sinh. Dựa vào đặc điểm hình thái phần miệng tuyến trùng và nguồn thức ăn, tuyến trùng được chia làm 5 nhóm: Bacterophagous - dinh dưỡng chính là vi khuẩn, Fungiphagous - dinh dưỡng chính là nấm, Herviphagous - nguồn dinh dưỡng chủ yếu từ thực vật, Predator - nguồn dinh dưỡng chính là đạm động vật, Omiphagous - nhóm ăn tạp, có thể biến đổi kiểu dinh dưỡng.

Tuy nhiên, trong nông nghiệp người ta thường phân loại tuyến trùng thành 2 nhóm:

  • Tuyến trùng có lợi cho nông nghiệp: là những loài kí sinh trên côn trùng hoặc những loài lấy dinh dưỡng từ nấm, vi khuẩn. Phần lớn các loài trong nhóm này không có kim chích hút.
  • Tuyến trùng có hại cho nông nghiệp: là những loài kí sinh thực vật, gây hại cho cây trồng, chúng có kim chích hút, nguồn dinh dưỡng chủ yếu lấy từ thực vật. Bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào nhóm tuyến trùng kí sinh thực vật này.

TuyenTrungCoKimChichVaKhongCo

Hình 5. Tuyến trùng có kim chích (A) và không kim chích (B và C).

(Nguồn: https://www.researchgate.net/figure/Stoma-with-stylet-A-and-without-B-C_fig2_251414111)

2. ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI CỦA TUYẾN TRÙNG KÍ SINH THỰC VẬT

Tuyến trùng gây hại bằng cách nào ?

Tuyến trùng kí sinh thực vật dùng một cơ quan chuyên hóa gọi là kim hút (stylet). Thông qua kim hút, chúng tiết ra các men tiêu hóa (proteaza, pectinaza,...) từ tuyến thực quản của chúng vào trong các tế bào thực vật và làm tan thành tế bào, tạo điều kiện để tuyến trùng dễ dàng hút các chất dinh dưỡng cần thiết từ cây chủ vào cơ thể. Các men tiêu hóa này có thể tiêu hóa một phần tế bào chất trước khi chúng vào cơ thể tuyến trùng, dẫn tới hình thành các điểm chuyên hóa tại vùng tuyến trùng kí sinh.

KimChichHut 01
KimChichHut 02
KimChichHut 03
KimChichHut 04

Hình 6. Một số dạng kim chích hút của tuyến trùng
(Nguồn: https://nematode.unl.edu/key/nemakey.htm)

Các loài tuyến trùng kí sinh thực vật thường kí sinh chủ yếu ở phần rễ của thực vật. Một số nhóm khác kí sinh chuyên hóa ở phần trên mặt đất của thực vật (lá, thân, cành,..). Tuyến trùng Meloidogyne spp. thường xâm nhập vào phần đỉnh rễ non, loài Pratylenchus spp. thường xâm nhập vào các mô ở xa đỉnh rễ hơn, loài Helichotylenchus dihystera thường xâm nhập vào các mô già.

Tuyến trùng nội kí sinh tại chỗ và một vài loài tuyến trùng ngoại ký sinh sử dụng emzyme của mình tạo ra sự phát triển của các vùng dinh dưỡng chuyên hóa ở các mô bên cạnh tới mô trung trụ, hòa tan các thành mô, tế bào và tạo ra các tế bào khổng lồ nhiều nhân.

Các loài tuyến trùng kí sinh di chuyển thường gây nên vết thương dẫn đến sự hoại tử mô thực vật xung quanh điểm dinh dưỡng của chúng.

Ngoài tác hại trực tiếp, tuyến trùng ký sinh thực vật còn có mối quan hệ với các tác nhân gây bệnh khác, chúng tạo các vết thương trên cây chủ, mở đường cho nấm, vi khuẩn xâm nhập tiếp theo.

Một số nhóm tuyến trùng còn có khả năng mang truyền virus gây bệnh cho thực vật.

Dựa trên cơ sở của 20 loại cây trồng chính ở các vùng khác nhau trên thế giới đã xác định mức thiệt hại trung bình hàng năm do tuyến trùng kí sinh gây ra là 12,5%, tương đương khoảng 77 tỉ USD năm 1984.

Biểu hiện của cây trồng khi bị tuyến trùng tấn công

Vùng ĐBSCL dễ bắt gặp nhất là tuyến trùng Meloidogyne spp. gây nên hiện tượng sưng rễ trên rất nhiều cây trồng, trong đó có các loại rau màu: Cà Rốt, Cà Chua, Cà Tím, Ớt, Khổ Qua, Bầu, Mướp,...tuyến trùng xâm nhập cây trồng càng sớm triệu chứng biểu hiện càng nặng nè.

TuyenTrung ReBau
TuyenTrung ReCaTim
TuyenTrung ReDuaLeo
TuyenTrung ReOtCay

Hình 7. Triệu chứng sưng rễ do tuyến trùng gây ra trên:
A) Bầu; B) Cà Tím; C) Dưa Leo; D) Ớt cay

Trên cây lúa, một loài tuyến trùng rất phổ biến là Meloidogyne graminicola gây ra triệu chứng u sưng trên rễ, chúng bắt đầu tấn công rễ cây lúa từ giai đoạn lúa còn rất nhỏ (Hình 8).

TuyenTrung CayLua 01

TuyenTrung CayLua 02
TuyenTrung CayLua 03

Hình 8. Triệu chứng bệnh sưng rễ do tuyến trùng Meloidogyne graminicola gây ra trên cây Lúa

Ngoài ra, trên cây lúa còn một loài tuyến trùng khác tương đối phổ biến là Ditylenchus angustus gây ra bệnh “tiêm đọt sần”.

TrieuChungBenhTiemDotSan CayLua

Hình 9. Triệu chứng bệnh tiêm đọt sần do tuyến trùng Ditylenchus angustus gây ra trên cây Lúa
(Nguồn: http://www.knowledgebank-brri.org/rice_disease.php)

Trên cây Khoai Mỡ, tuyến trùng tạo vết thương gây nên hiện tượng “mục đầu củ” đây là đối tượng được cho là gây hại nghiêm trọng và khó phòng trị nhất trên cây Khoai Mỡ.

TrieuChungMucCu KhoaiMo

Hình 10. Triệu chứng “mục củ” do tuyến trùng gây ra trên Khoai Mỡ

TuyenTrungTrenCuKhoai

Hình 11. Tuyến trùng quan sát trực tiếp trên củ khoai bị “mục đầu”, phóng đại 220 lần

TuyenTrungQuanSatTrongNuoc

Hình 12. Tuyến trùng quan sát trong nước sau khi ủ mẫu củ mục, phóng đại 60 lần

3. ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN VÀ LÂY LAN

Khả năng vận động của tuyến trùng ở trong đất rất hạn chế, chúng chỉ có thể di chuyển một vài mét trong một năm và phụ thuốc rất lớn vào cấu trúc cơ giới của đất. Tuy nhiên, một số loài tuyến trùng nội kí sinh di chuyển có khả năng di chuyển nhanh trong mô thực vật.

Tuyến trùng được phát tán ở cự ly xa theo nhiều con đường: sự vận chuyển đất hoặc các phần của thực vật đã bị nhiễm tuyến trùng; máy móc, công cụ nông nghiệp mang tuyến trùng theo đất; tuyến trùng theo dòng chảy của nước,...

4. CÁC LOÀI CÂY KÍ CHỦ:

Tuyến trùng kí sinh thực vật đã được ghi nhận gây hại trên rất nhiều loài cây trồng từ các loài cây ăn quả (thanh long, Sầu Riêng, Vú Sữa,...) đến các loại cây rau màu (cà chua, ớt, bầu, bí, mướp, khổ qua,...) và cả các loài hoa và cây cảnh.

5. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

5.1 Biện pháp tổng hợp:

Chọn nguồn giống (cây giống, củ giống) sạch bệnh.

Ngăn ngừa tuyến trùng lan truyền theo con người, máy móc, dụng cụ làm vườn và nguồn nước tưới.

Luân canh cây trồng chính với cây trồng ít mẫn cảm với tuyến trùng. Để biện pháp này phát huy hiệu quả, chúng ta cần biết được loài tuyến trùng kí sinh chủ yếu trên mảnh vườn của mình và loài cây kí chủ chính của chúng. Cúc Vạn Thọ là một loại cây trồng có thể chọn làm cây luân canh.

Làm khô ruộng: rút hết nước trong mương vườn, đồng ruộng để khô trong thời gian lâu nhất có thể.

Làm ngập nước đối với đất trồng cây rau màu trong vài ngày để giảm hàm lượng oxi trong đất, thúc đẩy các phản ứng yếm khí xảy ra gây bất lợi cho tuyến trùng.

Bổ sung thật nhiều chất hữu cơ cho đất, sự phân hủy các chất hữu cơ sẽ sinh ra các acid hữu cơ, khi nồng độ các acid hữu cơ đủ lớn sẽ có tác dụng giết chết một vài loài tuyến trùng.

5.2 Biện pháp hóa học:

Đối với các loài tuyến trùng gây hại trong đất, cần sử dụng các loại thuốc đặc trị tuyến trùng tưới trực tiếp vào đất. Để việc sử dụng thuốc đạt được kết quả như mong muốn, cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Xử lý hạt giống/củ giống/cây con bằng thuốc đặc trị tuyến trùng Brightin 4.0EC, liều lượng 7,5 - 10 ml/10 lít, ngâm trong thời gian từ 5 đến 10 phút sau đó vớt ra để ráo rồi đem gieo/trồng. Đối với cây con trong bầu, có thể phun thuốc trực tiếp lên bầu cây trước khi trồng ra đất theo liều lượng như trên.
  • Cần thường xuyên theo dõi để xử lý kịp thời ngay khi trong vườn xuất hiện 1 vài cây có triệu chứng gây hại của tuyến trùng (cây vàng lá và kém phát triển, xuất hiện triệu chứng u sưng rễ hoặc triệu chứng mục đầu củ đối với Khoai Mỡ). Sử dụng Brightin 4.0EC liều lượng từ 6 - 7,5 ml/10L nước, tưới xung quanh vùng rễ cây. Đối với các loại cây rau màu, tùy mức độ gây hại của mỗi vườn và thời gian sinh trưởng của cây mà cần xử lý từ 1 đếm 4 lần trong suốt thời gian phát triển của cây trồng.
Brightin 4.0EC
  • Brightin 4.0EC là thuốc trừ sâu sinh học, thuốc có bổ sung thêm phụ gia đặc biệt giúp tăng tính loang trãi, thấm sâu nhanh sau khi phun.
  • Brightin 4.0EC dễ dàng hòa tan trong nước, không bị lắng cặn, không gây nghẹt béc phun, có thể phối hợp được với nhiều loại thuốc BVTV khác.
  • Brightin 4.0EC tác động lên phân tử GABA của hệ thống thần kinh ngoại vi, gây ức chế dẫn truyền xung động thần kinh và làm cho côn trùng chết.
  • Brightin 4.0EC an toàn cho cây trồng, hiệu quả kéo dài, ít ảnh hưởng đến các loài thiên địch nên phù hợp với chương trình IPM và sản xuất rau an toàn.

Tổng hợp: KS. Ngô Văn Thịnh

Phòng NCPTSP công ty cổ phần đầu tư Hợp Trí

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Vũ Thanh (2002), tuyến trùng kí sinh cây ăn quả và biện pháp phòng trừ, NXB Nông Nghiệp, 184 trang.
  2. https://www.plantpath.iastate.edu/scn/life_cycle
  3. https://nematode.unl.edu/key/nemakey.htm
  4. https://www.canr.msu.edu/resources/soybean-cyst-nematode-diagnostic-facts
  5. https://phanbondientrang.vn/cong-nghe/tong-quan-ve-tuyen-trung-tren-thuc-vat-389.html

HTR_MORE_IN_CATEGORY