1. Triệu chứng gây hại
Rệp sáp gây hại trên xoài bằng cách chích hút nhựa các bộ phận non của cây như lá non, đọt non, bông, cuống trái non; làm cho cây bị suy yếu, đọt non bị thui chột, bông có thể bị rụng hoặc không phát triển được. Rệp chích hút nhựa trái, kể cả trái già, gây rụng trái hoặc làm trái nhỏ, biến dạng và giảm giá trị thương phẩm của trái.
Ngoài gây hại trực tiếp, trong chất thải của rệp còn chứa nhiều chất dinh dưỡng tạo điều kiện nấm bồ hóng phát triển, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp làm cho trái chậm lớn. Rệp sáp và bồ hóng tác động đồng thời lên cây xoài làm cho cây bị còi cọc, chậm phát triển. Ngoài ra, nấm bồ hóng phát triển làm lá và vỏ trái bị đen, ảnh hưởng đến mẫu mã bên ngoài của trái.
Rệp sáp gây hại xoài
2. Đặc điểm hình thái của rệp sáp
Rệp sáp có kích thước rất nhỏ chỉ vài millimet, rìa mỗi bên cơ thể có các sợi tua sáp trắng, phần đuôi cũng có một đôi tua trắng. Bên ngoài cơ thể rệp bao phủ bởi lớp vẩy hình bầu dục hoặc tròn. Trứng rất nhỏ, màu vàng, nằm dưới bụng con cái. Rệp non tuổi 1 màu vàng nâu, hình bầu dục, từ tuổi 2 trở đi không di động và bắt đầu tiết sáp che phủ cơ thể. Rệp sáp sinh sản nhanh và phát triển với mật số rất cao, bám dày đặc trắng xóa trên lá, thân, cành.
3. Điều kiện rệp phát triển
Rệp sáp là một loại côn trùng đa thực, ngoài cây xoài chúng còn gây hại trên rất nhiều loại cây ăn trái khác như ổi, mãng cầu, cam, quýt, chanh, bưởi,… nên rệp dễ phát triển do nguồn thức ăn của chúng rất phong phú. Rệp sáp thường phát triển và gây hại trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, vào thời điểm cuối mùa mưa chuyển sang mùa khô, đặc biệt là vào mùa khô hanh cây bị thiếu nước, rệp tập trung gây hại ở phía gốc cây và cuống trái. Khi rệp sáp sinh sản và có mật số nhiều thì chúng có tập tính xếp chồng nhiều lớp lên nhau. Rệp sáp ít di chuyển, phần lớn nhờ vào một số loài kiến (kiến hôi, kiến cao cẳng,…) tha đi, từ đó làm lây lan sang ra nhiều nơi khác.
4. Biện pháp phòng trừ
Rệp sáp là loại rệp phủ bởi lớp sáp bên ngoài nên việc phòng trừ cũng rất khó khăn. Để phòng trừ rệp sáp phải kết hợp nhiều biện pháp.
a. Biện pháp canh tác:
- Phải thường xuyên thăm vườn xoài, vệ sinh vườn như dọn sạch cỏ, rác quanh gốc để phá vỡ nơi kiến không trú ngụ mang trứng đi lây lan cho những cây khác. Cắt tỉa cành vườn cây tạo thông thoáng đồng thời cắt bỏ những trái bị hại ở giai đoạn đầu đem tiêu hủy nhằm hạn chế sự phát triển của rệp sáp. Dùng vòi phun nước mạnh lên trái để rửa trôi bớt rệp sáp.
- Bón phân cân đối hợp lý, trộn đều phân chuồng hoai và NPK với Hợp Trí SuperHumic (20kg/ha), bón quanh gốc, giúp rễ ra mạnh, đồng thời luôn tưới nước đầy đủ nhất là mùa khô để cây sinh trưởng khỏe, phát triển tốt có sức chống chịu với rệp.
b. Biện pháp hóa học:
Khi cây ở giai đoạn có đọt non, lá non, bông, trái, cần theo dõi kỹ lưỡng trên nách lá, chùm bông, trái, phát hiện rệp sáp kịp thời. Phun sớm hỗn hợp thuốc xông hơi và lưu dẫn Carbosan 25EC + Thiamax 25WG (500 ml + 20g/ 200 lít), phun kỹ để thuốc thấm qua các lớp sáp mới diệt được rệp. Phun lại lần 2 cách nhau từ 7-10 ngày để diệt tiếp lứa rệp non. Nếu cần, phun thêm lần thứ 3 để loại hết các lớp rệp sáp cuối cùng còn sót lại.
Carbosan 25EC: hàm lượng Carbosulfan cao đến 25%. Thuốc có đặc tính tiếp xúc, vị độc, thấm sâu, lưu dẫn, xông hơi, thẩm thấu qua lớp sáp nên có tác dụng diệt trừ rệp sáp rất tốt.
Thiamax 25WG: Thành phần độc đáo Thiamethoxam. Có tác dụng tiếp xúc, vị độc, lưu dẫn bên trong cây rất mạnh. Đặc trị hầu hết côn trùng chích hút, trong đó có rệp sáp
ThS. Lê văn Thành
Phòng NC&PTSP