Published in: Cây trồng khác
Create date: Sep 16, 2021

Sâu keo mùa thu và biện pháp quản lý

Sâu Keo mùa thu là một loài côn trùng đa thực có nguồn gốc từ Châu Mỹ, chúng có phạm vi phân bố rất rộng. Tại châu Phi, vào đầu năm 2016 Sâu Keo mùa thu được phát hiện ở 5 nước Tây và Trung Phi và đến năm 2018, loài này đã được phát hiện gây hại trên cây bắp tại trên 30 quốc gia ở châu Phi (FAO, 2018).

Ở châu Á, sâu Keo mùa thu được phát hiện gây hại đầu tiên tại Ấn Độ và Yemen vào tháng 7 năm 2018. Đến đầu năm 2019, loài này đã xuất hiện tại 5 quốc gia khác là Bangladesh, Trung Quốc, Myanmar, Sri Lanka và Thái Lan (FAO, 2019).

Vào khoảng cuối tháng 4 năm 2019, dịch sâu Keo mùa thu trên bắp bùng phát nhiều nơi ở nước ta, mức độ phá hại của loài sâu này rất dữ dội, nhiều ruộng bị sâu tấn công giai đoạn bắp dưới 30 ngày tuổi phải bỏ trồng lại vụ khác. Lúc cao điểm tháng 7/2019, diện tích cây bắp bị nhiễm sâu keo mùa thu trên cả nước lên đến hơn 16.000 ha (Cục BVTV-2019). Hiện nay, ngoài cây bắp sâu keo mùa thu còn phá hại trên nhiều cây trồng khác như lúa, đậu xanh, đậu nành, đậu phộng, mía, cà chua, cà tím, ớt, chuối và ngay cả cỏ chăn nuôi…

Để quản lý tốt loài sâu hại mới này, chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn về đặc tính sinh học, điều kiện phát sinh phát triển cũng như biện pháp quản lý loài sâu hại này.

1. ĐẶC ĐIỂM NHẬN DẠNG:

Sâu Keo mùa thu có tên tiếng Anh là Fall Armyworm (viết tắt là FAW), tên khoa học là Spodoptera frugiperda J.E. Smith, thuộc Bộ cánh vảy (Lepidoptera), Họ ngài đêm (Noctuidea)

Trứng sâu Keo mùa thu có hình cầu với phần đáy dẹp, đường kính khoảng 0,4 mm và chiều cao trứng khoảng 0,3 mm. Mỗi ổ trứng thường có từ 100 – 200 trứng, trong suốt đời sống của mình thành trùng cái có thể đẻ đến 2000 trứng. Trứng được đẻ thành 1 hoặc nhiều lớp trên lá, xung quanh trứng và trên bề mặt ổ trứng có phủ một lớp lông màu nâu nhạt như bông gòn (Hình 1). Thời gian của giai đoạn trứng kéo dài từ 1 đến 2 ngày vào mùa hè.

TrungSauKeoMuaThu

Hình 1. Trứng sâu Keo mùa thu (nguồn: D Visser ARC-VOP Roodeplaat)

Ấu trùng sâu Keo mùa thu có 6 tuổi, ấu trùng mới nở có màu xanh lục hoặc hơi nâu đầu màu đen, đầu chuyển sang màu xanh lam ở tuổi 2. Ở tuổi 3, lưng chuyển màu nâu và các đường dọc thân bắt đầu hình thành. Từ tuổi 4 đến tuổi 6, đầu sâu có màu nâu đỏ có đốm trắng, cơ thể màu nâu với các đường chạy dọc thân màu trắng, trên mặt lưng có nhiều điểm nhô cao sẫm màu và thường kèm theo lông cứng.

Ngoài màu nâu điển hình ở mặt lưng, ấu trùng sâu Keo mùa thu còn phổ biến với màu xanh lá cây. Ấu trùng có xu hướng ẩn mình vào những khoảng thời gian sáng nhất trong ngày.

Giai đoạn ấu trùng thường kéo dài khoảng 14 ngày vào mùa hè và dài đến 30 ngày khi thời tiết mát mẻ. Ở nhiệt độ 25oC, thời gian phát triển của mỗi tuổi sâu từ tuổi 1 đến tuổi 6 tương ứng như sau: 3,3 1,7 1,5 1,5 2,0 và 3,7 ngày (theo Pitre và Hogg 1983).

AuTrung 01
AuTrung 02
AuTrung 03
AuTrung 04
AuTrung 05

Hình 2. Ấu trùng các tuổi của sâu Keo mùa thu

Màu sắc đầu và thân cũng như hoa văn chạy dọc thân của ấu trùng sâu Keo mùa thu ở cùng 1 kích cỡ (có thể là cùng 1 độ tuổi) không hoàn toàn giống nhau (Hình 3, 4, 5 và 6).

AuTrung TuTrenXuong

Hình 3. Ấu trùng sâu Keo mùa thu chụp từ trên xuống (Ảnh: D Visser ARC-VOP Roodeplaat)

AuTrung ChupNgang

Hình 4. Ấu trùng sâu Keo mùa thu chụp ngang (Ảnh: D Visser ARC-VOP Roodeplaat)

AuTrungTuoi6 TuTrenXuong

Hình 5. Ấu trùng tuổi 6 sâu Keo mùa thu chụp từ trên xuống (Ảnh: D Visser ARC-VOP Roodeplaat)

AuTrungTuoi6 ChupNgang

Hình 6. Ấu trùng tuổi 6 sâu Keo mùa thu chụp ngang (Ảnh: D Visser ARC-VOP Roodeplaat)

Đặc điểm để phân biệt sâu Keo mùa thu với các loài sâu khác trong chi Spodoptera là sâu keo màu thu từ tuổi 4 đến tuổi 6 có vân hình chữ “Y” ngược trên phần đầu và ở mặt lưng đốt bụng liền kề đối bụng cuối có 4 chấm màu đen (hoặc nâu) to rõ, xếp thành hình vuông trong khi các chấm đen ở những đốt lưng khác xếp thành hình thang (Hình 7).

AuTrung DacDiemPhanBiet

Hình 7. Chữ “Y” ngược và 4 chấm xếp thành hình vuông ở đốt lưng bụng liền kề đốt lưng bụng cuối của ấu trùng Sâu Keo Mùa Thu

Nhộng của sâu Keo mùa thu có màu nâu đỏ, thường tìm thấy trong đất ở độ sâu từ 2 đến 8 cm, tuy nhiên cũng có lúc bắt gặp nhộng sâu trên thân hoặc trái cây Bắp.

Ấu trùng tạo ra một cái kén hình bầu dục dài từ 20 đến 30 cm bằng cách nhả tơ buột các hạt đất lại với nhau, nếu đất quá cứng ấu trùng có thể kết hợp các mảnh vụn của lá và các vật liệu hữu cơ khác với nhau để tạo thành kén. Thời gian của giai đoạn nhộng có thể kéo dài từ 8 đên 9 ngày trong mùa Hè (hình 8).

Nhong SauKeoMuaThu

Hình 8. Nhộng sâu keo mùa thu (Ảnh: D Visser ARC-VOP Roodeplaat)

Thành trùng sâu Keo mùa thu là một loài ngài đêm màu xám, sải cánh dài từ 32 – 40 mm, cánh sau có màu trắng, cánh trước có màu xám đến nâu xám (con cái) và màu nâu sẫm với các mảng tối và vệt nhạt ở con đực (hình 9 và 10). Thời gian sống của thành trùng có thể kéo dài từ 7 đến 21 ngày.

TrungDuc SauKeoMuaThu

Hình 9. Thành trùng đực sâu Keo mùa thu
(Ảnh: Lyle J. Buss , Đại học Florida)

TrungCai SauKeoMuaThu

Hình 10. Thành trùng cái sâu Keo mùa thu
(Ảnh: Lyle J. Buss , Đại học Florida)

Thành trùng sâu Keo mùa thu dễ nhầm lẫn với thành trùng một số loài sâu khác trong chi Spodoptera như: Spodoptera exigua (sâu xanh da láng), Spodoptera litura (sâu khoang), Spodoptera littoralis - một loài rất giống với sâu khoang (Hình 11, 12, 13, 14)..

ThanhTrung SauKeoMuaThu

Hình 11. Thành trùng sâu Keo mùa thu Spodoptera frugiperda (Ảnh: Lyle J. Buss)

ThanhTrung SpodopteraLittoralis

Hình 12. Thành trùng Spodoptera littoralis (Ảnh: Egbert Friedrich)

ThanhTrung SauXanhDaLang

Hình 13. Thành trùng sâu xanh da láng Spodoptera exigua (Ảnh: Lyle J. Buss)

ThanhTrung SauKhoang

Hình 14. Thành trùng sâu khoang Spodoptera litura (Ảnh: Egbert Friedrich)

2. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC VÀ SINH THÁI

Vòng đời sâu Keo mùa thu dài trung bình 30 ngày vào mùa Hè và có thể kéo dài đến 60 ngày vào mùa Xuân hoặc mùa thu và từ 80 – 90 ngày vào mùa Đông (tác giả John L. Capinera, Đại học Florida).

Bướm ẩn náu ban ngày và hoạt động vào ban đêm. Đôi khi bắt gặp bướm trong kẽ lá hoặc các lá non chưa mở ra.

Con đực tìm đến con cái để giao phối thông qua pheromone do con cái tiết ra. Trứng được đẻ sau khi giao phối từ 2 đến 3 ngày.

3. ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI VÀ LÂY LAN

Sâu Keo mùa thu gây hại trong suốt quá trình sinh trường và phát triển của cây Bắp. Sâu mới nở cạp mô lá ở một phía của lá để lại lớp biểu bì mỏng ở mặt đối diện của lá (hình 15). Đến tuổi 2 và 3, ấu trùng bắt đầu ăn đứt phiến lá và tạo những lỗ thủng trên lá, sâu tấn công vào đọt non của lá khi lá Bắp lớn sẽ tạo thành một hàng lỗ trên phiến lá (hình 16). Ấu trùng tuổi lớn hơn cạp đướt gân lá gây rụng lá trên diện rộng, Đặc biệt, chúng thích tấn công vào đọt cây Bắp và ăn phá trong đó gây ra thiệt hại rất nặng (hình 17). Khi bắp đã mang trái, sâu cón thể tấn công vào cả phần hạt trái (hình 18).

Do tập tính ăn thịt đồng loại nên mật độ ấu trùng sẽ giảm xuống còn từ khoảng 1 đến 2 con trên mỗi cây khi chúng kiếm ăn gần nhau.

Ấu trùng có thể di chuyển từ cây này sang cây khác hoặc sang những ruộng kế bên, nói chung khoảng cách không quá xa.

Sự lây lan sâu Keo mùa thu chủ yếu do thành trùng (thành trùng theo gió có thể bay xa hàng chục km để tìm nơi đẻ trứng) và ấu trùng hoặc trứng di chuyển theo sản phẩm đến những vùng địa lý khác nhau.

SauKeoMuaThu CapMoLa

Hình 15. Sâu Keo mùa thu mới nở cạp mô lá chừa lại phần biểu bì mặt đối diện

SauKeoMuaThu TanCongLaNon

Hình 16. Sâu tấn công giai đoạn lá non khi lá mở ra tạo thành hàng lỗ trên lá

SauKeoMuaThu PhaBenTrongNgonCayBap

Hình 17. Sâu tuổi lớn chui vào ngọn cây Bắp ăn phá bên trong

SauKeoMuaThu TanCongHatBap

Hình 18. Sâu tuổi lớn tấn công vào trái ăn hạt Bắp

4. CÁC LOÀI CÂY KÍ CHỦ

Sâu Keo mùa thu có phạm vi kí chủ rất rộng với hơn 80 loài thực vật được ghi nhận trong đó có: lúa mạch, cỏ linh lăng, cây bông, đậu tương, mía, đậu phộng, lúa nước, thuốc lá,...trong đó bắp là loại cây kí chủ được sâu rất ưa thích và bị sâu gây hại thường xuyên hơn so với các cây kí chủ khác.

Đôi khi cũng phát hiện sâu keo màu thu gây hại trên táo, nho, cam, đu đủ, dâu tây, đào,...(nguồn: https://entnemdept.ufl.edu/creatures/field/fall_armyworm.htm).

SauKeoMuaThu TrenLua 01
SauKeoMuaThu TrenLua 02

Hình 19. Bắt gặp sâu Keo mùa thu tại một ruộng lúa ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

SauKeoMuaThu TrenDauPhong

Hình 20. Sâu keo mùa thu gây hại trên cây đậu phộng tại huyện tân Phước tỉnh Tiền Giang

5. KẺ THÙ TỰ NHIÊN

Giống như các loài sâu hại khác, sâu Keo mùa thu cũng có nhiều loài thiên địch tấn công chúng trong tự nhiên như: ong kí sinh, chim và một số loài bọ cánh cứng tấn công thành trùng, nấm kí sinh ấu trùng,...tuy nhiên, vai trò của các loài thiên địch chỉ tỏ ra hiệu quả khi mật số chúng đủ đông và điều kiện sống phù hợp cho chúng phát triển.

Một thực tế mà chúng ta có thể dự đoán được là thiệt hại có thể lên đến 100% nếu không áp dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Đối với hầu hết nông dân, biện pháp sử dụng thuốc bảo luôn là lựa chọn hàng đầu.

6. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ

a) Biện pháp tổng hợp:

  • Giữ sạch cỏ trong ruộng và xung quanh bờ để thành trùng không có nơi trú ẩn.
  • Cày ải và phơi đất hoặc cho nước vào ngập ruộng để diệt ấu trùng trong đất.
  • Luân canh 1 vụ Bắp 1 vụ lúa nước cũng có tác dụng diệt ấu trùng trong đất.
  • Dự đoán dự báo sâu xuất hiện bằng bẫy đèn hoặc bẫy Pheromone phát hiện thành trùng để kịp thời phun xịt.
  • Thăm vườn thường xuyên, kiểm tra sự xuất hiện của ấu trùng và ổ trứng sâu: nên kiểm tra thường xuyên những cây ở vị trí khác nhau trong ruộng (có thể kiểm tra 20 cây ở 5 vị trí theo 2 đường chéo góc của ruộng).

b) Biện pháp hoá học:

Đầu tháng 7 năm 2019, công ty cổ phần đầu tư Hợp Trí đã triển khai phun thử nghiệm 2 loại thuốc tại ruộng Bắp của một nông dân ở xã Phú Xuân, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai để trừ sâu keo mùa thu là Actimax 50WG (liều lượng 20g/16 lít) và Carbosan 25EC (liều 40ml/16L). Cả 2 loại thuốc đều có hiệu quả rất cao, trên 90%.

Sử dụng 2 loại thuốc trên còn giúp trừ tốt 2 loài sâu khá phổ biến trên ruộng Bắp là sâu Khoang (Spodoptera litura) và sâu Xanh da láng (Spodoptera exigua).

Bà con có thể sử dụng luân phiên 2 loại thuốc trên để tránh côn trùng hình thành tính kháng thuốc. Ấu trùng tuổi nhỏ hoặc ổ trứng sâu có thể nằm ở cả 2 mặt lá, ấu trùng tuổi lớn thích cắn phá bên trong đọt non, vì thế cần phun ướt cả 2 mặt lá và đọt non cây bắp.

SauKeoMuaThu PhunCarbosan

Hình 21. Sâu Keo mùa thu lúc trước phun và 3 ngày sau khi phun Carbosan 25EC

SauKeoMuaThu PhunActimax

Hình 22. Sâu Khoang lúc trước phun và 3 ngày sau khi phun Carbosan 25EC

 
Carbosan 25EC
  • Thành phần: Carbosulfan …25%
  • Trừ được côn trùng miệng nhai khó trị như sâu đục thân, sâu đục cành, sâu xanh da láng, nhóm côn trùng chích hút và cả tuyến trùng.
  • Có thể phun (trừ sâu) hoặc tưới (trừ tuyến trùng).
  • Liều lượng: 500ml/200 lít nước.

SauKeoMuaThu PhunActimax

Hình 23. Sâu Keo mùa thu lúc trước phun và 3 ngày sau khi phun Actimax 50WG

SauXanhDaLang PhunActimax

Hình 24. Sâu Xanh da láng lúc trước phun và 3 ngày sau khi phun Actimax 50WG

 
Actimax 50WG
  • Actimax 50WG là thuốc trừ sâu sinh học thế hệ mới với hoạt chất Emamectin benzoate chiết xuất trong quá trình lên men nấm Streptomyces avermitilis.
  • Emamectin benzoate tấn công cơ chế dẫn truyền xung động thần kinh làm cho sâu hại bị tê liệt và chết.
  • Actimax 50WG diệt côn trùng bằng con đường tiếp xúc, vị độc và có đặc tính lưu dẫn mạnh nên hiệu quả kéo dài, diệt được sâu miệng nhai lần côn trùng, nhện chích hút.

KS. Ngô Văn Thịnh
Phòng NCPTSP công ty cổ phần đầu tư Hợp Trí

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. http://www.khuyennongvn.gov.vn/vi-VN/khoa-hoc-cong-nghe/khcn-trong-nuoc/mot-so-thong-tin-va-hinh-anh-ve-loai-sau-keo-mua-thu-spodoptera-frugiperda_t114c40n18276
  2. https://www.vnua.edu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ngay-khoa-hoc-va-cong-nghe/hoc-vien-nong-nghiep-viet-nam-don-vi-dau-tien-dinh-danh-loai-sau-keo-mua-thu-hai-ngo-vu-xuan-nam-2019-tai-viet-nam-37252
  3. https://bnews.vn/sau-keo-mua-thu-da-xuat-hien-o-nuoc-ta/120939.html
  4. http://bvtv.phuyen.gov.vn/huong-dan-bien-phap-phong-tru-sau-keo-mua-thu.html
  5. https://www.cabi.org/isc/datasheet/29810#toPictures
  6. http://sana.co.za/wp-content/uploads/2017/06/Fall-Armyworm-Identification.-DAFF-Presentation-v1.2-secured-Published....pdf
  7. https://entnemdept.ufl.edu/creatures/field/fall_armyworm.htm
  8. https://www.invasive.org/browse/detail.cfm?imgnum=5190079
  9. http://lepiforum.org/wiki/page/Spodoptera_Littoralis#Diagnose-Maennchen
  10. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/epp.12258

 

 

 

 

HTR_MORE_IN_CATEGORY