I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm được quan tâm hàng đầu, để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng đòi hỏi không chỉ cần sản phẩm ngon mà cần phải an toàn. Mô hình canh tác Tôm – lúa là một mô hình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu: mùa mưa trồng lúa xen nuôi tôm càng xanh, mùa khô nuôi tôm sú. Vì để vụ nuôi tôm đạt hiệu quả nên khi canh tác lúa phải hạn chế tối đa sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học. Hiện nay, việc lựa chọn sản phẩm thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học mang lại hiệu quả trong phòng trừ dịch hại trên lúa và không ảnh hưởng đến các đối tượng thủy sản đang được người sản xuất quan tâm. Công Ty Cổ phần Đầu tư Hợp Trí đã đưa ra quy trình kỹ thuật canh tác lúa trên đất nuôi tôm với mong muốn bà con sản xuất được nông sản sạch, không độc hại, không tồn lưu dư lượng thuốc BVTV, an toàn cho sức khỏe con người, môi trường và đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu.
II. THỜI VỤ VÀ CHỌN GIỐNG
1.Thời vụ:
Tùy theo điều kiện nguồn nước, thời gian rửa mặn, giống lúa nên bố trí lịch thời vụ xuống giống cho phù hợp. Xuống giống theo lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Giống lúa:
- Giống lúa mùa Một bụi đỏ.
- Giống lúa ngắn ngày: OM 2517, OM 6976, OM 5451, OM 7347, …
- Giống lúa lai: B-TE 1, HR 182.
Lưu ý: Những vùng bị ảnh hưởng mặn sớm nên sạ cấy các giống lúa ngắn ngày, lúa lai.
III. LÀM ĐẤT RỬA MẶN
Đây là khâu quyết định đến sự thành công của gieo sạ, cấy lúa: làm đất rửa mặn cần chú ý đủ thời gian rửa và số lần xổ nước; để rửa mặn tầng đất được sâu hơn, giúp rễ lúa phát triển được tốt cần xới xáo đất để nước ngọt ngấm sâu vào tầng đất canh tác. Trên những vùng đất lầy thụt, trong quá trình rửa mặn cần có thời gian phơi đất để tạo điều kiện phân hủy chất độc trong đất và mặt đất được thông thoáng hơn. Xổ nước rửa mặn phải từ 5 đến 7 lần (nếu không xổ nước được thì phải dùng máy bơm ra) thời gian rửa ít nhất từ 20 đến 30 ngày. Sau khi đã hoàn tất khâu rửa mặn, trước khi xuống giống tiến hành bừa trục lại lần cuối.
Lưu ý: Hàng năm, trước khi đưa nước mặn vào nuôi tôm, tránh để đất bị nứt nẻ, mặn ngấm sâu vào đất sẽ khó rửa. Trong quá trình rửa mặn khi xới xáo phải bón vôi bột 300kg/ha, để giúp rửa mặn nhanh hơn và triệt để hơn.
Hình 1: Rửa mặn, làm đất chuẩn bị sạ, cấy
IV. KỸ THUẬT SẠ, CẤY
1. Đối với lúa sạ:
Lượng giống gieo sạ:
- Đối với giống lúa ngắn ngày: Sử dụng 100 – 120 kg lúa giống/ha (riêng giống lúa lai B-TE1, HR 182 sử dụng 25-30 kg lúa giống/ha). Nếu có điều kiện nên áp dụng sạ hàng hoặc sạ theo băng để tiện việc chăm sóc.
- Đối với lúa Một bụi đỏ: sử dụng 30 - 40 kg lúa giống/ha.
2. Đối với lúa cấy:
Lượng giống:
- Đối với giống Một bụi đỏ sử dụng 20 - 30 kg lúa giống để gieo mạ cấy cho 1ha.
Chú ý: Bón phân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trước khi nhổ mạ cấy.
Hình 2: Chuẩn bị đất và cấy lúa Một bụi đỏ
Cấy:
- Cấy đúng tuổi mạ khoảng 50 – 60 ngày.
- Khoảng cách cấy: 30 cm x 40 cm. Cấy 3 – 4 tép mạ/bụi.
V. BÓN PHÂN
1. Đối với lúa sạ giống cao sản ngắn ngày
Lượng phân: Sử dụng 3 - 5 kg Hợp Trí Super Humic + 50 - 70 kg DAP + 100 - 130 kg Urea + 100 kg NPK (20 -20 - 15) + 50 kg KCl/ha.
Cách bón:
- Bón lót: 1 - 2 kg Hợp Trí Super Humic + 50 - 70 kg DAP/ha, trước khi bừa trục lần cuối.
- Thúc đợt 1: 5 - 7 ngày sau sạ bón 50 kg Urea + 3 kg Hợp Trí Super Humic/ha.
- Thúc đợt 2: 18 - 20 ngày sau sạ bón 50 kg Urea + 50 kg Kali.
- Bón đón đòng: 35 - 40 ngày sau sạ bón 100 kg NPK/ha.
- Tùy theo thời gian sinh trưởng của giống, sự sinh trưởng và phát triển của lúa mà tăng giảm lượng phân bón cũng như thời gian bón.
2. Đối với giống lúa Một bụi đỏ
Lượng phân: Sử dụng 3 – 5 kg Hợp Trí Super Humic + 50 - 70 kg DAP + 80- 100 kg Urea + 80 kg NPK (20 - 20 - 15) + 50 kg KCl/ha.
Hình 3: Bón phân cho lúa
Cách bón phân lúa cấy giống Một bụi đỏ
- Bón lót: 1 - 2 kg Hợp Trí Super Humic + 50 - 70 kg DAP/ha, trước khi bừa trục lần cuối.
- Thúc đợt 1: 7 - 10 ngày sau cấy bón 30 kg Urea + 3 kg Hợp Trí Super Humic/ha
- Thúc đợt 2: 18 - 20 ngày sau cấy bón 50 kg Urea + 50 kg Kali/ha.
- Bón đón đòng: Khi lúa có tim đèn bón 80 kg NPK/ha.
Cách bón phân lúa sạ giống Một bụi đỏ
- Bón lót: 1 - 2 kg Hợp Trí Super Humic + 50 - 70 kg DAP/ha, trước khi bừa trục lần cuối.
- Thúc đợt 1: 7- 10 ngày sau sạ bón 50 kg Urea + 3 kg Hợp Trí Super Humic/ha.
- Thúc đợt 2: 22-25 ngày sau sạ bón 50 kg Urea + 50 kg Kali.
- Bón đón đòng: Khi lúa có tim đèn, bón 80 kg NPK/ha.
Ngoài ra, để tăng hiệu quả sử dụng phân bón và tăng sức chống chịu mặn, cứng cây lúa, nên kết hợp phun qua lá các sản phẩm như: Hydrophos Zn (giai đoạn 15-18 ngày và 40-45 ngày sau sạ, cấy) với liều lượng 80 – 100 ml/ bình 25l và Hợp Trí Casi phun giai đoạn 20 -25 ngày và 50 -55 ngày sau sạ, cấy) với liều lượng 40-50 ml/ bình 25l.
VI. CHĂM SÓC
1. Điều chỉnh mực nước
Giữ mực nước thích hợp trong suốt thời gian sinh trưởng của cây lúa là 10 – 15 cm. Tuyệt đối không để nước mặn tràn vào ruộng hoặc để ruộng cạn nước. Khi mưa lớn thì tiếp tục rửa mặn.
2. Tỉa dặm
Sau khi sạ 15 – 18 ngày hoặc sau cấy 5 – 7 ngày tiến hành tỉa dặm những chỗ trống hoặc những cây lúa bị nổi.
VII. PHÒNG TRỪ CỎ DẠI, SÂU BỆNH
1. Phòng trừ cỏ dại
- Tốt nhất nên làm đất kỹ trước khi sạ, cấy.
- Sử dụng giống lúa cấp xác nhận, không lẫn hạt cỏ để sạ, gieo mạ.
- Giữ nước không để ruộng bị khô hạn, làm cỏ bằng tay khi thấy cỏ xuất hiện.
- Sử dụng thuốc trừ cỏ tiền – hậu nẩy mầm sớm: Hilton USA 320EC phun giai đoạn 3 – 5 ngày với liều lượng 80 – 100 ml/ bình 25l.
Lưu ý: Đối với giai đoạn 7 – 10 ngày nếu trong ruộng còn sót cỏ Đuôi phụng và Lồng vực thì tiến hành rút nước ra và phun Elano 20EC với liều dùng 40 – 50 ml/ bình 25l, từ 12 – 24 giờ sau tiếng hành đưa nước vào ruộng.
2. Phòng trừ sâu bệnh
Hình 4: Phun thuốc trừ bệnh cho lúa
Thường xuyên theo dõi và áp dụng triệt để biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu trước 40 ngày đầu sau khi sạ. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc trừ sâu có độ độc cao, sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc vi sinh.
Khi các đối tượng sâu bệnh gây hại cây lúa đến ngưỡng phòng trừ thì sử dụng các loại thuốc vi sinh, chế phẩm sinh học để phòng trừ.
2.1. Rầy nâu (Nilaparvata lugens Stal)
a. Triệu chứng và tác hại rầy nâu:
- Trên đồng ruộng, rầy nâu thường sống tập trung ở bẹ lá lúa nơi gần mặt nước, hoặc mặt đất ẩm. Khi trời râm mát hoặc khi mật độ cao chúng thường phân tán cả phía trên cây lúa.
- Rầy nâu chích hút nhựa ở bẹ lá lúa, làm cho cây lúa héo vàng, bắt đầu từ những lá phía dưới, rồi lan dần lên phía trên. Với mật độ cao chúng có thể làm cho lúa chết từng đám, thường gọi là “cháy rầy”. Hiện tượng cháy rầy có thể thấy ở từng đám vài mét vuông đến hàng chục mét vuông hoặc trên diện rộng vài héc ta, trên cả cánh đồng. Sản lượng lúa có thể thiệt hại từ 20 – 30% hoặc bị mất trắng.
- Ngoài tác hại trực tiếp làm lúa cháy rầy, rầy nâu là môi giới truyền virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho cây lúa từ giai đoạn mạ đến giai đoạn trổ chín.
Hình 5: Sơ đồ vòng đời rầy nâu
b. Phòng trừ rầy nâu:
- Gieo sạ tập trung và né rầy: Thường mỗi tháng có một đợt rầy nâu trưởng thành vào đèn rộ kéo dài từ 5 - 7 ngày, để né rầy thì gieo sạ ngay sau đỉnh cao rầy vào đèn rộ. Như vậy, giai đoạn đầu của cây lúa sẽ tránh được một đợt rầy trưởng thành chích hút truyền bệnh.
- Khi có rầy nâu di trú, dùng nước che chắn giai đoạn đầu, duy trì mực nước thích hợp để hạn chế rầy chích hút thân cây lúa.
- Áp dụng tốt quy trình "3 giảm, 3 tăng".
- Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy nâu trên cây lúa (phải vạch gốc lúa để xem).
- Nếu phát hiện rầy nâu tuổi nhỏ với mật độ 3 con/tép thì phun: Gepa 50WG với liều lượng 25g/ bình 25l hoặc Thiamax 25WG với liều lượng 4g/ bình 25 lít.
Lưu ý: Khi phun nên bơm nước vào ruộng để phòng trừ đạt hiệu quả cao hơn.
Sau khi phun thuốc 3-5 ngày phải kiểm tra đồng ruộng nếu thấy rầy còn sống mật số cao thì tiếp tục phun thuốc.
Hình 6: Phun thuốc khi rầy nở rộ
Hình 7: Rầy nâu chết sau khi phun thuốc
2.2. Sâu đục thân
a. Tập quán sinh sống và đặc điểm gây hại:
- Ban ngày bướm ẩn nấp trong các bụi rậm gần nước, ban đêm thích vào đèn. Chúng đẻ trứng thành từng ổ, mặt trên của lá.
- Sâu non mới nở phân tán, chui vào bên trong bẹ lá ăn đỉnh sinh trưởng, lá lúa có vết màu trắng và có 1-2 lỗ thủng và sống trong thân lúa, tiếp tục gây hại làm chết đọt, giai đoạn trổ gây hiện tượng bông bạc.
b. Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ.
- Nếu trong đêm nào có nhiều bướm của sâu đục thân vào đèn thì trong tối đêm đó sẽ có nhiều trứng được đẻ.
- Khi điều tra thấy có 2 ổ trứng/m2 thu ổ trứng cho vào túi nilon, theo dõi nếu thấy tỷ lệ ong ký sinh cao 85 – 95% thì không cần phun thuốc.
- Hoặc quan sát trên ruộng khi thấy bướm rộ 5 – 7 ngày thì tiến hành phun: Actimax 50WG + Thiamax 25 WG (15g + 4g/ bình 25 lít).
Bướm sâu đục thân 2 chấm
Ổ trứng sâu đục thân
Hình 8: Sâu đục thân làm lúa trổ bông bạc, chết dọt
2.3. Sâu cuốn lá nhỏ
a. Triệu chứng:
- Sâu mới nở nhả tơ, dính 2 mép lá lúa theo chiều dọc, làm thành bao lá, sâu nằm bên trong ăn chất xanh của lá, để lại màng màu trắng.
- Sâu cuốn lá nhỏ thường xuất hiện 20 ngày sau khi sạ, cấy. Sâu phá hại từ khi lúa đẻ nhánh cho tới khi lúa ngậm sữa, gây hại nặng nhất là khi lúa làm đòng và trổ.
- Thiên địch gồm: Chuồn chuồn, ong kí sinh sâu non (ong đen, ong đèn lồng, …) kiến ba khoang, bọ cánh cứng ba khoang,…
Lưu ý: Sâu cuốn lá nhỏ tấn công cây lúa ở thời kỳ nở bụi, không gây tác hại đến năng suất, do đó không cần dùng thuốc phòng trừ. Nhưng giai đoạn lúa làm đòng bị sâu cuốn lá gây hại sẽ ảnh hưởng năng suất, cần thăm đồng thường xuyên để theo dõi mật độ sâu và có hướng phòng trị kịp thời.
Hình 9: Vòng đời sâu cuốn lá nhỏ
b.Biện pháp phòng trừ:
- Giai đoạn lúa dưới 40 ngày sau khi sạ nếu bị sâu cuốn lá gây hại, chỉ cần bón phân hợp lý, điều chỉnh mực nước thích hợp, cây lúa ra lá mới hồi phục lại bình thường, không cần phun thuốc để phòng trừ.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Giai đoạn làm đòng nếu mật số sâu cuốn lá trên 12 con/m2 (sâu tuổi 1- 2), thì tiến hành phun: Brightin 4.0EC với liều lượng 8 - 10ml/ bình 25l hoặc Actimax 50WG với liều 15g/ bình 25l.
2.4. Bệnh đạo ôn (cháy lá)
a. Tác nhân rây hại:
Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia grisea Sacc, trước kia còn gọi là Pyricularia oryzae Cav. (giai đoạn sinh sản hữu tính gọi là Magnaporthe grisea) gây hại và được ghi nhận hiện diện ở hơn 80 quốc gia trồng lúa trên thế giới. Theo nhiều nghiên cứu thì bệnh ngày càng phát sinh thêm nhiều nòi mới có độc tố cao nên khó phòng trị. Theo TS. Nguyễn Thị Phong Lan và nhóm tác giả thì tại Đồng bằng sông Cửu Long có trên 40 nòi nấm Pyricularia gây ra bệnh đạo ôn trên cây lúa.
b. Điều kiện phát sinh:
- Bệnh đạo ôn thường phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết âm u, giờ nắng trong ngày ít, sáng sớm có sương mù hay trời có mưa phùn, nhiệt độ thích hợp nhất trong khoảng từ 16 – 20oC.
- Các yếu tố như giống nhiễm, bón phân đạm nhiều, sạ dày, lá lúa nằm ngang, phiến lá rộng, ruộng thiếu nước, cỏ dại nhiều là điều kiện thuận lợi để nấm phát sinh, phát triển và gây bệnh nặng.
- Các yếu tố làm chậm hoặc ngăn cản quá trình phát sinh phát triển của bệnh đạo ôn là: giống kháng bệnh, gieo sạ thưa, có thời gian phơi đất trước khi sạ, bón đủ khoáng chất, đặc biệt là canxi, silic, kali... Tuy nhiên về yếu tố giống kháng, các nghiên cứu gần đây có chỉ ra rằng hiện nay không có giống kháng tuyệt đối mà chỉ có giống kháng tạm thời. Nghĩa là, giống kháng bệnh tốt trong 2 – 3 vụ đầu nhưng sau đó có thể bị nhiễm bệnh đạo ôn, thậm chí là nhiễm rất nặng.
c. Triệu chứng gây hại:
- Trên lá vết bệnh hình thoi (hình mắt én), xung quanh có viền vàng, giữa màu xám, bệnh phát triển nhanh, nhiều vết bệnh liên kết với nhau, làm bẹ, lá bị cháy khô.
- Trên bông bệnh gây hại ngay cổ bông hoặc gié làm hạt lúa bị lép, bông và gié gãy gục.
Hình 9: Bệnh đạo ôn trên lúa
Hình 10: Bệnh đạo ôn trên thân, bệnh đạo ôn thối cổ bông
d. Biện pháp phòng trừ
- Bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, không bón thừa đạm. Phun phân bón lá HT CaSi để tăng tính chống chịu bệnh.
- Khi bệnh chớm phát sinh, nên ngưng ngay việc bón phân Urea, các loại phân bón lá có chứa đạm và thuốc trừ cỏ.
- Khi lúa bị bệnh không để ruộng khô nước.
- Khi bệnh mới phát sinh tiến hành phun: Taiyou 20SC + Hợp Trí Casi (40 ml + 40ml/ bình 25 lít).
* Bệnh trên bông: Đối với những giống nhiễm và hơi nhiễm nên phun ngừa bệnh vào 2 giai đoạn: Lúc lúa trổ lẹt xẹt và sau khi lúa trổ đều. Sử dụng Taiyou 20SC (40ml/ bình 25l) nên kết hợp với Agrilife 100Sl + Keviar 325SC (25ml + 25ml/ bình 25l) để phun ngừa đạo ôn cổ bông và lem lép hạt.
Khi lúa trổ nên phun thuốc vào buổi chiều tránh ảnh hưởng việc thụ phấn của lúa.
Hình 11: Vết bệnh sau khi phun thuốc
2.5. Bệnh cháy bìa lá (Bạc lá)
a. Tác nhân gây hại:
- Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas oryzae gây ra.
b. Triệu chứng gây hại:
Hình 12: Bệnh cháy bìa lá
- Triệu chứng thường gặp là vết bệnh xuất hiện dọc theo bìa lá cách chóp lá vài cm, ở một hoặc hai bên phiến lá.
- Vết bệnh lúc đầu là những đốm nhỏ bằng đầu kim giống như thấm nước, sau đó lan rộng ra cả chiều ngang lẫn chiều dài và có rìa gợn sóng giống như hình răng cưa, sau vài ngày thì chuyển sang màu vàng.
- Khi gặp điều kiện thuận lợi có gió mạnh, vết bệnh lan ra cả lá và kéo xuống tới bẹ, chuyển sang màu trắng hoặc màu xám xanh. Giai đoạn trổ bệnh gây hại nặng lúa bị lép cao.
c. Biện pháp phòng trừ:
Cần phối hợp nhiều biện pháp thì mới đạt hiệu quả cao như:
- Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali (khi bệnh xuất hiện nên ngưng bón phân đạm, tăng cường bón phân kali).
- Khi lúa bị bệnh tiến hành phun: Agri-life 100SL với liều lượng 25ml/ bình 25 lít, phun thuốc phòng trị vào giai đoạn lúa làm đòng và trổ.
2.6. Bệnh lem lép hạt
a.Tác nhân gây hại:
- Vi khuẩn Pseudomonas glumae (tên gọi khác: Bukhoderia glumae) cũng là một trong số các tác nhân làm thối đen hạt hoặc gây vết bệnh trên vỏ hạt.
- Do nấm là chủ yếu: Alternaria padwickii, Bipolaris oryzae, Fusarium sp, Curvularia lunata, Microdochium oryzae, Phoma sp, Pyricularia oryzae, Sarocladium oryzae, Septoria sp, Tilletia barclayana, Ustilagonoides virens.
b. Triệu chứng gây hại:
- Hạt lúa bị bệnh từ giai đoạn trổ đến phơi màu, mới đầu xuất hiện chấm đen trên hạt, ranh giới giữa phần bệnh và phần khỏe biểu hiện rõ, hạt bị bệnh sớm bị lép hoàn toàn, gặp nắng 2 nửa vỏ trấu tách ra.
- Hạt bị bệnh thì phôi nhũ bị thối, biến thành màu nâu vàng, khi lúa chín những hạt bị bệnh có màu nâu đen.
Hình 13: Bệnh lem lép hạt
c. Biện pháp phòng trị
- Loại bỏ hết những hạt lép lửng có mang mầm bệnh trước khi ngâm ủ.
- Gieo sạ thưa, bón phân cân đối NPK.
- Khi lúa trổ được 3-5% (lúa trổ lẹt xẹt) tiến hành phun: Agri-life 100SL + Keviar 325SC với liều lượng (25ml + 25ml/ bình 25 lít) để quản lí lem lép hạt do nấm và vi khuẩn, có thể kết hợp với Bortrac (30ml/ bình 25L) và Hợp Trí HK NPK 7 – 5 – 44 +TE (80g/ bình 25l) để giúp lúa tăng thụ phấn và trổ thoát nhanh.
- Khi lúa trổ đều thì tiến hành phun: Agri-life 100SL + Keviar 325SC với liều lượng (25ml + 25ml/ bình 25 lít) và kết hợp với Hợp Trí HK NPK 7 – 5 – 44 +TE (80g/ bình 25L) để giúp lúa vô gạo nhanh ít hạt lép, lửng.
VII. Thu hoạch:
Thu hoạch đúng độ chín khi 85 - 90% số hạt chắc trên bông chín vàng. Nếu thu hoạch sớm hạt xanh non nhiều, giảm trọng lượng hạt và khi xay xát tỉ lệ gạo nguyên thấp, ngược lại nếu thu hoạch trễ hạt dễ bị rụng, tăng tỷ lệ thất thoát và hạt dễ bị gãy khi xay xát.
Tài liệu tham khảo: Kỹ Thuật Canh Tác Tôm – Lúa (Trung Tâm Khuyến Nông Tỉnh Bạc Liêu).
Kỹ sư Nguyễn Văn Nghị
Nhân viên KTHT Bạc Liêu – Cà Mau
Cập nhật tháng 8/2022