Chuyên mục: Tin nông nghiệp
Ngày đăng: 01/10/2015

Các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết

"Đại diện Bộ Y tế cho biết cả nước hiện đã ghi nhận gần 30.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 50/63 tỉnh, thành. Đáng lưu ý, đã ghi nhận các ca bệnh diễn biến nặng và 18 ca tử vong ghi nhận tại 10 tỉnh, thành"

DienBienBenhSotXuatHuyet2015

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu đặc biệt lưu ý người dân khi có biểu hiện nghi ngờ SXH cần đến cơ sở y tế để được hướng dẫn theo dõi điều trị, tuyệt đối không tự truyền dịch, điều trị tại nhà; nghiêm cấm nhân viên y tế tiêm, truyền tại nhà, tại các cơ sở không đủ điều kiện. Truyền dịch có thể gây sốc, nguy hiểm cho bệnh nhân, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Ngoài ra, việc dùng thuốc với bệnh nhân SXH cần được chỉ định đúng, việc tự ý mua thuốc điều trị có thể làm bệnh trở nặng, gây tai biến nguy hiểm, tăng nguy cơ tử vong. Bộ Y tế lo ngại dịch SXH còn gia tăng do đỉnh dịch vào tháng 10 - 11 hằng năm và năm nay là thời điểm của chu kỳ dịch bùng phát (dịch SXH có chu kỳ bùng phát 4 - 5 năm/lần).

* Những ngày qua, các bệnh viện (BV) nhi tại TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải lượng lớn bệnh nhi nhập viện do SXH. Trong ngày 12.9 tại Khoa SXH BV Nhi đồng 2 điều trị nội trú cho 100 ca SXH, trong đó có đến 20 ca nặng đang phải truyền dịch, bệnh nhi nhỏ nhất chỉ mới mười mấy tháng tuổi. BV Nhi đồng 1 cũng cho hay lượng bệnh nhi nhập viện vì SXH tăng cao. Với chỉ tiêu 90 giường bệnh, song khoa SXH tại BV này phải điều trị cho 176 bệnh nhi.

Theo ghi nhận của Thanh Niên sáng 12.9 tại khoa SXH của 2 BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, nhiều bệnh nhi và thân nhân phải nằm cùng 1 giường, thậm chí nằm ngoài hành lang vì quá tải. Tại BV Nhi đồng 1, PV vừa bước vào khoa SXH thì thấy dọc hành lang trước cửa phòng bệnh là những manh chiếu được trải tạm để nằm của nhiều gia đình đang chăm sóc con bị bệnh. Anh Mạnh (đang nuôi con bị bệnh SXH) cho biết mỗi giường có đến 2 - 3 bệnh nhi, chưa kể phụ huynh chen chúc nằm co ro để chăm sóc. Vợ chồng anh thấy chật quá nên cho con nằm hẳn dưới đất từ khi nhập viện.

Tương tự, tại Khoa SXH của BV Nhi đồng 2, vì quá tải bệnh nhân SXH nên nhiều bệnh nhi khi nhập viện được ghi cho số phòng để tiện theo dõi việc thăm khám và lấy thuốc rồi ra nằm ngoài... hành lang. "Nhập viện từ ngày 10.9 là nhân viên y tế đưa cho tôi chiếc ghế bố để cho cháu ra hành lang đặt nằm điều trị. Ai cũng vậy, vô sau thì nằm ngoài chứ giường đông
2 - 3 bé nằm rất chật", chị Sương (30 tuổi, ngụ Bình Dương) chia sẻ.

Theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, tính đến hết tuần thứ 36 (tuần đầu của tháng 9.2015), TP.HCM có 8.157 ca SXH nhập viện, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2014. Xét về diễn tiến, số ca bệnh SXH trong 4 tuần qua tăng rất nhanh. Riêng tuần 36, toàn thành phố đã có 416 trường hợp SXH nhập viện.

Bên cạnh đó, theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, số ca nhập viện vì bệnh tay chân miệng trong tuần thứ 36 (tuần đầu tháng 9.2015) đã tăng 32% so với các ca bệnh trung bình của 4 tuần gần nhất. Tính đến hết tuần thứ 36, TP.HCM có trên 4.500 ca mắc bệnh tay chân miệng, trung bình khoảng 100 - 150 ca nhập viện/tuần; riêng tuần thứ 36 số ca nhập viện vì bệnh tay chân miệng là hơn 190 ca.

Mỗi năm có 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do bệnh tiêu chảy

Đó là báo cáo tại hội thảo chuyên đề về bệnh lý tiêu hóa diễn ra hôm qua 12.9 tại TP.HCM, với sự tham dự của 1.400 bác sĩ trong và ngoài nước. Theo GS-TS Nguyễn Gia Khánh, Phó chủ tịch Hội Nhi khoa VN, mỗi năm trên thế giới có 1,5 tỉ người mắc bệnh tiêu chảy, khiến khoảng 2 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy, trong đó có 2 nguyên nhân chính là do vi khuẩn (E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng...) và do lạm dụng việc sử dụng thuốc kháng sinh. Hai tác nhân này phá vỡ, làm mất sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột, gây ra bệnh.

Thanh Tùng

 

Liên Châu - Lương Ngọc (Nguồn: www.thanhnien.com.vn)

CacBieuHienCuaBenhSotXuatHuyet

Theo số liệu thống kê của Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM vừa công bố, tính đến hết ngày 13.9.2015, toàn thành phố có 8.739 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2014. Với con số nói trên, dự đoán theo đà gia tăng mạnh như hiện nay, sốt xuất huyết đang chuẩn bị bước vào đỉnh dịch.

Vì sao sốt xuất huyết dễ thành dịch?

Sốt xuất huyết ở nước ta có thể xảy ra quanh năm, nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào giai đoạn mùa mưa, vì đây là thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển. Muỗi là loại môi giới truyền bệnh duy nhất gây ra bệnh sốt xuất huyết. Theo các chuyên gia y tế, bệnh lây lan chủ yếu do 2 loại muỗi Aedes aegypti (còn gọi là muỗi vằn) và Aedes albopictus (muỗi châu Á). Hai loại muỗi này rất phổ biến ở nông thôn cũng như thành thị ở nước ta. Khi bị muỗi mang vi rút Dengue (mầm bệnh) đốt thì rất dễ bị bệnh. Chúng hút máu người bệnh rồi bay đến hút máu người khỏe, thông qua vết cắn chúng sẽ truyền bệnh, từ đó bệnh phát triển và dễ lây lan thành dịch.

Đáng nói, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắcxin phòng bệnh, nên bệnh diễn biến khá phức tạp. Trong khi đó, nguyên do bệnh dễ bùng phát còn liên quan đến sự thiếu hiểu biết và hạn chế trong nhận thức của người dân về các biện pháp phòng chống, đặc biệt là thái độ chủ quan xem thường.

Quá trình sinh trưởng của muỗi Aedes liên quan mật thiết với nước và nhiệt độ của môi trường tự nhiên. Môi trường sinh sống thiếu vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho muỗi Aedes phát triển và dĩ nhiên mầm bệnh càng dễ lây lan tạo thành dịch. Ở nước ta, muỗi Aedes rất thích đẻ trứng ở các môi trường gần nhà, tù đọng nước như: ao, hồ, cống rãnh, chum, lu, vại, lọ hoa, lốp xe hỏng, vỏ dừa, máng nước... Muỗi Aedes đốt và hút máu người cả ban ngày lẫn ban đêm, nhưng thời điểm chúng tác oai tác quái nhất là lúc sáng sớm và chập tối.

Sốt xuất huyết nguy hiểm ra sao?

Th.S-BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - cho biết bệnh sốt xuất huyết bắt đầu gia tăng từ tháng 7 và đến nay số bệnh nhi sốt xuất huyết tại khoa hiện tăng so với thời điểm tháng 5 - 6 vì đã bước vào mùa mưa. Bắt đầu từ những ngày đầu tháng 9.2015, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận trên 100 trường hợp điều trị nội trú, trong đó có trường hợp nặng đến mức bị trụy tim mạch, suy hô hấp, có dấu hiệu suy gan, rối loạn đông máu và xuất huyết tiêu hóa.

Nói về triệu chứng của bệnh, bác sĩ Tuấn cho biết ngay từ khi khởi phát, bệnh đã gây sốt rất cao (từ 39 độ C). Nếu được uống thuốc hạ sốt thì thân nhiệt sẽ giảm nhưng sau đó tăng cao trở lại. Bệnh nhân sốt xuất huyết thường rất mệt mỏi, lừ đừ, buồn nôn, phát ban, giảm hẳn những hoạt động đơn giản thường ngày. Đến ngày thứ 3 - 4, bệnh diễn tiến nhanh, có thể bị sốc và xảy ra tình trạng nôn ói, đau bụng, chân tay lạnh, thậm chí có thể biến chứng suy đa cơ quan và tử vong rất nhanh nếu không được can thiệp kịp thời.

Vì vậy, nếu trẻ có những triệu chứng trên hay cha mẹ nghi ngờ trẻ hoặc người trong gia đình bị sốt từ 2 ngày trở lên có khả năng là sốt xuất huyết thì nhanh chóng đưa đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Các trường hợp sốt xuất huyết tử vong ngoài nguyên nhân thường do nhập viện quá muộn còn có thể do theo dõi và điều trị không đúng, tình trạng cơ địa của người bệnh dư cân béo phì, trẻ nhũ nhi, có bệnh lý mãn tính kèm theo, tình trạng miễn dịch hoặc độc lực của vi rút. Bác sĩ Tuấn cảnh báo: nếu đã mắc bệnh sốt xuất huyết trước đây thì những lần sau dễ có biến chứng nặng hơn lần đầu tiên. Cần lưu ý không được truyền dịch sớm tại nhà vì bệnh nhân có thể suy hô hấp, phù nề khi bệnh diễn tiến nặng vào giai đoạn sau của bệnh.

Phòng ngừa vẫn là trên hết

Nhiều người nghĩ rằng bệnh sốt xuất huyết chỉ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ còn ở người lớn thì không đáng bận tâm hoặc nhiều người mắc bệnh mà không biết, cứ nghĩ là cảm cúm, sốt thông thường nên tự uống thuốc, điều này rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Người lớn bị sốt xuất huyết có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em do chảy máu nhiều, xuất huyết não, suy gan, suy thận hoặc trụy tim mạch.

Nếu bệnh ở thể nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách cho người bệnh nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn nhẹ cháo, súp, sữa, dùng thuốc hạ sốt. Nhưng cần phải theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc bệnh diễn biến nặng hơn, như người bệnh li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều cần đưa ngay đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Theo bác sĩ Tuấn, đối phó tốt nhất với bệnh sốt xuất huyết là diệt muỗi và phòng chống muỗi đốt bằng cách phá bỏ những nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng), hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, vỏ dừa, lốp xe, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, bỏ muối vào bát nước dùng để kê tủ bếp (ở nông thôn), cho cát ẩm vào lọ hoa...

Để không cho lăng quăng, muỗi có cơ hội cư trú trong nhà, nên tránh đổ quá nhiều nước vào các chậu cây, thay nước và cọ rửa lọ hoa hằng tuần để làm sạch trứng muỗi bám vào thành bình hoa trước khi đổ nước mới. Ở những nơi có nhiều vũng nước, có thể xử lý nhanh bằng cách phun hoặc rải hóa chất diệt bọ gậy. Những vật dụng không dùng đến như xe cũ, tủ lạnh, máy giặt... cũng có thể trở thành nơi sinh sản của muỗi, vì thế không nên để ngoài trời cho nước mưa đọng lại. Thùng đựng nước cần có nắp đậy, các ống tre làm hàng rào cần cắt sát tới đốt hoặc lấp cát để tránh đọng nước mưa...

Phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay khi ngủ, dùng bình xịt diệt muỗi, nhang muỗi, kem chống muỗi, vợt điện diệt muỗi, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, quét dọn và lau chùi khô ráo.

Cẩm Nhung (Nguồn www.thanhnien.com.vn)

CacBienPhapPhongTranh

Trên cả nước, theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 7, cả nước có 19.753 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 12 trường hợp tử vong. Các tỉnh có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tăng cao từ 30%-45% so với cùng kỳ năm 2014 là: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng.

Tại Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm, có tổng 693 ca sốt xuất huyết, trong đó không có ca tử vong, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2014, TS. BS Cảm cho biết.

Tại đây, mùa dịch sốt xuất huyết bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, khi thời tiết trở nên nóng ẩm, thuận lợi cho muỗi phát triển. Năm nay, diễn biến thời tiết thất thường, nắng nóng mưa nhiều trong thời gian qua, cộng những biến động dân cư lớn, nhiều công trường xây dựng, thiếu nước sạch khiến nhiều người phải tích trữ nước, vệ sinh môi trường kém, nhiều phế liệu phế thải đọng nước... khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có nhiều cơ hội phát triển. Thực tế cho thấy, bệnh tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông và huyện ven nội đang đô thị hóa nhanh như Thanh Trì, Long Biên, theo thông tin từ Tuổi Trẻ và VnExpress.

Theo TS.BS Cảm, so với cùng kỳ năm có dịch (năm 2009), số ca bệnh ở Hà Nội mới chỉ bằng 38% nhưng tốc độ tăng nhanh và nhiều hơn so với năm ngoái nên gây nên nhiều lo ngại về khả năng hình thành năm dịch.

Tháng 6, số bệnh nhân đã tăng gấp gần 3 lần số ca trong tháng 5 với 168 ca, còn tháng 7 lên tới 357 ca. Trước đó, tháng 3, 4 chỉ có 15 trường hợp; tháng 2 chỉ có 1 ca. Bệnh nhân chủ yếu ở người lớn, trẻ dưới 15 tuổi chỉ chiếm 13%.

Tại Sài Gòn, BS Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP cho hay, trong tuần đầu tháng 8, toàn thành có 307 ca sốt xuất huyết nhập viện, cao hơn 34% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong tháng 7, số ca bệnh sốt xuất huyết lên đến 6.033 ca, tăng 47% so cùng kỳ năm 2014.

Con số này trong 5 tháng đầu năm là gần 4.000 trường hợp, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái; tức tăng hơn 2.000 trường hợp chỉ trong hai tháng.

BS Dũng cho hay, mùa dịch năm nay ở TP HCM đến sớm hơn 2 tháng so với thường lệ, và chưa có dấu hiệu giảm từ đầu năm 2015 đến nay. Hiện 32 phường xã có số ca bệnh liên tục trong 1 tháng qua. Các ổ dịch khu trú cũng xuất hiện tại nhiều địa phương.

suckhoe-1431004178029

Bệnh nhi bị sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM). (Ảnh: nld.com.vn)

Trong các tỉnh miền Nam, đáng lưu ý nhất là tỉnh Cà Mau, do trong 7 tháng qua, chỉ riêng bệnh sốt xuất huyết đã tăng tới 65% với 1 trường hợp tử vong, theo thông tin từ báo Dân Trí. Hiện toàn tỉnh có 200 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, với tốc độ các ca nhiễm là tăng từ 30-50% so với tuần trước.

Đồng quan điểm với BS. Dũng – PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, bệnh dịch sốt xuất huyết tại miền Nam nói riêng và cả nước nói chung đang không theo đúng mùa như mọi năm. Ông cho biết, trước đây, tại miền Nam, dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện theo mùa, từ tháng 6 (vào mùa mưa) và ở phía Bắc từ tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, những thay đổi về thời tiết và môi trường khiến bệnh đang xuất hiện quanh năm, và tăng mạnh vào thời điểm bùng dịch, cũng không chỉ tại những vùng vốn lưu hành nguồn bệnh mà ngay tại các đô thị có mầm bệnh rình rập.

"Việt Nam lưu hành cả 4 type virus SXH gồm D1, D2, D3 và D4 nên người dân mắc SXH D1 vẫn có thể mắc các type còn lại trong cùng một năm mà không có miễn dịch. Không những thế, những lần mắc bệnh sau còn nặng hơn lần trước", TS. Phu cho hay trên báo Người Lao Động.

Nguy cơ tử vong do sốt xuất huyết

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc sốt xuất huyết. Đặc biệt, ở miền Bắc, các trường hợp tử vong đa số rơi vào người lớn, có thể do chủ quan và nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác.

TS. Kính lưu ý, trẻ em bị sốt xuất huyết có biểu hiện sốc nhiều hơn xuất huyết, trong khi người lớn thì ngược lại, xuất huyết nhiều hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn; xuất huyết não, suy đa tạng (suy gan, suy thận, trụy tim mạch), theo thông tin từ báo Người Lao Động.

a aegypti 0

Muỗi vằn Ades aegypti là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. (Ảnh: wikipedia)

Vì hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết, nên phòng ngừa nhiễm bệnh là cách duy nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Một số lưu ý như:

  • Dọn dẹp các khu ẩm thấp, đọng nước, nhiều vật dụng; diệt bọ gậy
  • Ngủ màn, xịt thuốc diệt muỗi theo đúng liều lượng.
  • Nếu có biểu hiện sốt cao đột ngột trên 2 ngày, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Phan A tổng hợp - (Nguồn: daikynguyen.com.vn)

info@hoptrisummit.com

(028) 3873 4115
(028) 3873 4116

(028) 3873 4117

CÔNG TY CỔ PHẦN HỢP TRÍ SUMMIT

Trụ sở chính:
Đường số 8, Lô B14, KCN Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh

Người đại diện:
TGĐ ĐẶNG HỒNG HẢI
Số giấy chứng nhận ĐKKD: 0303015573

Ngày cấp lần đầu:
08/08/2003, thay đổi lần 24 ngày 08/11/2024. Nơi cấp: Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế Hoạch Đầu Tư TP.HCM

Chi nhánh Sài Gòn:
80/14 Bà Huyện Thanh Quan, P.9, Q.3, TP.HCM

Chi nhánh Hà Nội:
130 Lô B4 Khu Đô Thị Mới Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội

Chi nhánh Campuchia:
#910, Street SOS, Sangkat Phnom Penh Thmei, Khan Sen Sok, Phnom Penh, Cambodia

hotline2

Theo dõi công ty Hợp Trí tại:

DaThongBao